10 Sai lầm phổ biến của chủ doanh nghiệp

Tiếp thị quá nhiều, hòa đồng với nhân viên cũng có thể trở thành sai lầm gây hại cho doanh nghiệp của bạn.
Những doanh nghiệp mới thành lập gặp rất nhiều rủi ro, sơ suất và sai lầm. Dù bạn có nhiều kinh nghiệm làm chủ doanh nghiệp đến đâu, bạn dường như

10 sai lầm phổ biến của chủ doanh nghiệp nhỏ

10 sai lầm phổ biến của chủ doanh nghiệp nhỏ

Tiếp thị quá nhiều, hòa đồng với nhân viên cũng có thể trở thành sai lầm gây hại cho doanh nghiệp của bạn.

Những doanh nghiệp mới thành lập gặp rất nhiều rủi ro, sơ suất và sai lầm. Dù bạn có nhiều kinh nghiệm làm chủ doanh nghiệp đến đâu, bạn dường như vẫn sẽ gặp phải vấn đề ở điểm nào đó. Theo ông Mike Michalowicz, chuyên gia về doanh nghiêp nhỏ, chìa khóa thành công nằm ở chỗ nhanh chóng nhận ra sai lầm, rút kinh nghiệm và tránh tái diễn sai lầm tương tự. Hầu hết các chủ doanh nghiệp nhỏ đều mắc vào cùng những cái bẫy giống nhau. Chính những sai lầm như vậy đã tạo ra sự khác biệt giữa việc sở hữu một doanh nghiệp nhỏ thành công và khả thi, hay sở hữu một món nợ tài chính mà bạn sẽ phải gánh trong nhiều năm liền.

Vậy, những sai lầm mà các chủ sở hữu doanh nghiệp thường mắc phải khi khởi nghiệp và quản lý kinh doanh là gì?

1. Nôn nóng làm giàu nhanh

 

Thành công chỉ sau một đêm cũng cần sự chuẩn bị kéo dài từ 15 – 20 năm. Nếu bạn ôm mộng trở thành triệu phú chỉ sau một đêm, có thể bạn sẽ sỡm ngã lòng và vội vàng từ bỏ giấc mơ của mình. Hãy biết rằng thành công cần có thời gian, lòng kiên trì và một chút may mắn. Hãy để doanh nghiệp có thời gian tăng trưởng. Chỉ khi nào công ty của bạn không có tiến triển gì trong một thời gian đủ dài, lúc đó mới nên cân nhắc từ bỏ.

 

2. Cho rằng mình không có đối thủ cạnh tranh

 

Ngay cả khi sản phẩm/dịch vụ bạn kinh doanh là mới nhất, hay nhất, chưa từng có từ trước tới nay, cũng đừng vội cho rằng bạn không bị cạnh tranh. Cạnh tranh không nhất thiết chỉ đến từ những đối thủ trực tiếp, rõ ràng. Cạnh tranh còn là những sản phẩm/dịch vụ thay thế mà khách hàng có thể sử dụng. Khách hàng sẽ làm gì nếu họ không chọn sản phẩm/dịch vụ của bạn? Họ có thể không làm gì cả hay không? Khách hàng hầu như lúc nào cũng có những lựa chọn khác. Chỉ riêng điều đó cũng đủ trở thành nguy cơ cạnh tranh khá cao rồi.

 

3. Thiếu uy lãnh đạo

 

Thành công của doanh nghiệp còn tùy thuộc vào việc bạn có là một lãnh đạo đủ mạnh mẽ, hiệu quả. Bạn không cần phải độc đoán, nhưng cũng đừng chỉ đứng ngang hàng với nhân viên. Lãnh đạo giỏi phải vạch ra con đường chiến lược cho công ty, liên tục thông báo và truyền đạt con đường đó cho nhân viên, đồng thời truyền lửa cho họ để họ vươn tới kết quả cao hơn.

 

4. Công việc là ưu tiên số 1

 

Nhiều doanh nhân tạm gác cả cuộc sống cá nhân của mình chỉ để tập trung hoàn toàn vào kinh doanh. Kết quả là cả sự nghiệp và cuộc sống của họ đều không đạt. Doanh nghiệp cần bạn hoàn toàn chú tâm và nỗ lực, điều đó là chắc chắn, nhưng việc đó chỉ kéo dài trong những khoảng thời gian ngắn. Cũng như các vận động viên thể thao, bạn cần có chế độ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi đầy đủ, và cũng phải giải lao giữa các buổi tập. Cân bằng cuộc sống cá nhân và kinh doanh, rồi bạn sẽ thấy tốt hơn ở cả hai lĩnh vực.

 

5. Lập mục tiêu tài chính phi thực tế

 

Nếu mọi kế hoạch kinh doanh đều thành công, trở thành tỷ phú sẽ chẳng còn là chuyện khác thường nữa. Nhiều doanh nhân khởi nghiệp với kế hoạch kiếm lời lãi trên trời, và hầu hết bọn họ còn chẳng đưa nổi doanh nghiệp của mình rời được khỏi mặt đất. Mục tiêu phi thực tế không chỉ ảnh hưởng đến mức độ tín nhiệm của bạn, mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng và khiến bạn khổ sở. Hãy đặt cho mình một mục tiêu cụ thể, tính toán được, khả thi và có mốc thời gian cụ thể để đảm bảo tiến độ phát triển liên tục. Nếu bạn làm được điều này, cơ hội trở thành tỷ phú sau một đêm (dĩ nhiên là trong vòng 15 – 20 năm nữa) đã tăng lên đáng kể!
 

 

6. Không có “điểm chung”

 

Có một lý do khiến nhân viên thường từ bỏ những công việc lương cao tại các tập đoàn lớn để đến làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ, và dĩ nhiên đó không phải vì tiền. Ngoài việc được trả lương, mọi người còn muốn được làm việc vì một mục đích quan trọng nào đó. Nhiều doanh nghiệp chẳng bao giờ nhận ra điều này và định nghĩa rõ ràng xem mình tồn tại để làm gì. Họ chỉ quan tâm thu hút được thật nhiều nhân viên, mà không biết rằng những nhân viên này có quan điểm rất khác nhau về thành công. Hãy làm rõ mục tiêu của công ty bằng câu hỏi: trên cả việc kiếm tiền, doanh nghiệp tồn tại để làm gì? Và đó cũng chính là điều kiện tốt giúp bạn thu hút được những nhân viên có suy nghĩ tương đồng. Đội ngũ nhân viên cùng chung mục đích sẽ là nguồn lực rất giá trị với doanh nghiệp.

 

7. Giảm giá

 

Điều đầu tiên mà doanh nhân thường nghĩ tới khi doanh nghiệp gặp khó khăn là cố gắng tạo ra sự khác biệt về giá. Liệu giá rẻ hơn có đồng nghĩa với nhiều khách hàng hơn? Câu trả lời là không! Hầu hết khách hàng đều sẵn lòng mua những món đồ giá đắt hơn bởi chúng có chất lượng tốt hơn và nhiều tiện ích hơn. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, tăng giá một chút kèm theo cải thiện chất lượng và tiện ích sản phẩm sẽ là ngọn gió lành đưa khách hàng đến với doanh nghiệp của bạn. Giảm giá là trò chơi nguy hiểm, để làm được điều này, bạn có thể phải giảm biên chế hay giảm lương để hạ thấp chi phí.

 

8. Không có chiến lược tiếp thị rõ ràng

 

Bạn không thể biết được vào lúc nào, ở đâu, hay làm thế nào một khách hàng tiềm năng lại có thể biết đến doanh nghiệp. Nếu bạn phát tán quá nhiều thông tin, khách hàng tiềm năng khó có thể hình dung rõ ràng về sản phẩm/dịch vụ mà công ty cung cấp. Bạn phải có một chiến lược tiếp thị liên tục, thông điệp rõ ràng. Sẽ không có cơ hội thứ hai cho ấn tượng đầu tiên. Hãy đảm bảo rằng mọi khách hàng tiềm năng sẽ nhận được cùng một thông điệp thống nhất khi họ lần đầu biết đến doanh nghiệp của bạn.

 

9. Không trung thực

 

Bản chất của Internet giúp người dùng giấu tên, cùng tốc độ lan truyền nhanh chính là điều kiện để mọi người có thể chia sẻ thông tin với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Nếu doanh nghiệp của bạn có ý định giấu nhẹm một sai lầm nào đó, việc chuyện lộ ra chỉ là vấn đề thời gian, và khi đó bạn sẽ biến thành kẻ dối trá trong mắt mọi người. Điều đó rất có hại cho doanh nghiệp. Hãy là người đầu tiên công khai chuyện xấu của chính mình, và bạn sẽ được mọi người nhìn nhận là trung thực và đáng tin.

 

10. Muốn làm chuyên gia trên mọi lĩnh vực

 

Đây cũng là sai lầm lớn nhất của doanh nhân. Họ tin rằng có thể tự mình làm tất cả mọi thứ. Đúng vậy, doanh nhân có thể làm hầu hết mọi việc, nhưng rồi sẽ chẳng việc nào thực sự ra hồn. Cũng như những người bình thường khác, một doanh nhân có thể có 1 hoặc 2 tài năng bẩm sinh. Là một doanh nhân, công việc của bạn là xác định những tài năng đó và tập trung toàn bộ sức lực của mình vào đó. Hãy thuê những người giỏi về các lĩnh vực mà bạn kém. Những công ty thành công nhất là những công ty biết khai thác một số ít thế mạnh nhất định, chứ không phải những công ty muốn trở thành chuyên gia trong mọi lĩnh vực.

 

Thu Thủy

thuthuy

Theo Trí thức trẻ/CNBC